Cản trở xe thi hành công vụ xử phạt như thế nào theo quy định pháp luật? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Xe công vụ là gì?

Xe công (Xe công vụ) là xe có biển số xe nền màu xanh, chữ và số màu trắng, thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc các tổ chức doanh nghiệp nhà nước. Xe công được sử dụng để phục vụ cho hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước.

Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định xe công vụ có thể được hưởng quyền ưu tiên khi tham gia giao thông trong trường hợp xe công đang đi làm nhiệm vụ hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp hoặc đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.

Xử phạt việc cản trở xe công vụ

Trong trường hợp khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Trường hợp không nhường đường hoặc gây cản trở cho xe ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy mức độ có thể xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý vi phạm hành chính

Theo khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP

Khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định:

4. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 như sau:

c) Sửa đổi khoản 5 Điều 6 như sau:

“5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều này và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;

b) Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.”;

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu có hành vi không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ thì có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể chịu một số hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe (theo khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Về truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp cản trở xe ưu tiên, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như gây ra thiệt hại về người và tài sản thì người cản đường xe ưu tiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

Nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

>>> Xem thêm: Tội cản trở giao thông theo Bộ luật Hình sự

Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì về các vấn đề pháp lý, hãy liên hệ  lawkey.vn để được tư vấn hỗ trợ bạn nhé.