(NBCL) Vụ nổ kinh hoàng tại Văn Phú (quận Hà Đông) đang khiến dư luận dấy lên nỗi lo ngại từ những cơ sở thu mua phế liệu trong khu dân cư. Trước đó, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng do người dân cưa vật liệu nổ để lấy phế liệu. Thực trạng này cho thấy công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ cần được tăng cường hơn nữa.

Hiện trường vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú – Hà Đông.

Nguy cơ từ những cơ sở thu mua phế liệu

Không ít người nghĩ rằng, nếu mình không tàng trữ, sử dụng, sản xuất vật liệu cháy nổ thì khó có thể gặp vấn đề bất trắc với loại vật liệu này. Nhưng thực tế tai nạn do cháy nổ không chỉ xảy ra tại các cơ sở sản xuất, tàng trữ, sử dụng các loại vật liệu cháy nổ mà ngay cả ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư hay ngay tại gia đình, cũng khó tránh được. Thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm thu mua mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ dẫn đến những trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc. Theo các chuyên gia về vật liệu nổ, có một điều người dân cần đặc biệt lưu tâm là tất cả số bom, đạn, vật liệu nổ còn tồn sót sau chiến tranh đều đã được kích hoạt các cơ chế hoạt động gây nổ khi chúng được thả xuống.

Nhưng vì một lý do nào đó cơ chế kích nổ gặp trục trặc chưa gây nổ. Mặc dù đã trải qua một thời gian dài vùi sâu dưới lòng đất, cát nhưng chúng vẫn cực kỳ nguy hiểm và có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi có tác động từ bên ngoài dù là nhỏ nhất. Do vậy, người dân cần phải cảnh giác, không được lấy, nhặt, cưa, phá bom mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh để lấy thuốc nổ và sắt vụn.

Từ thực tế các vụ tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ tồn sót sau chiến tranh cho thấy khi đã xảy ra thì hậu quả thường rất thảm khốc. Về phía cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng cần phải tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, nắm rõ các quy định về việc không cất giữ vũ khí, vật liệu nổ mà cần giao nộp, cho cơ quan chức năng để hạn chế những tai nạn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định số 26/NĐ-CP về “Quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Chính phủ quy định: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan công an để xử lý theo quy định”.

Về thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Điều 8 của Nghị định số 26/ NĐ-CP cũng đã nêu rõ: Cơ quan quân sự, công an, UBND cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao.

Buông lỏng quản lý?
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cho rằng vụ nổ tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông) không phải mới xảy ra lần đầu, trong vòng vài năm trở lại đây đã có hàng chục vụ nổ từ vũ khí còn sót lại sau chiến tranh mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan và thiếu hiểu biết. Nhưng vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước việc có hàng trăm nghìn “lò” thu mua phế liệu vẫn ngày ngày hoạt động và nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc mà không có bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào? Bởi trong số các “lò” phế liệu đó có không ít những đồ vật chứa chất gây nổ và có nguy cơ cháy, nổ bất cứ lúc nào. Người dân sống xung quanh dù biết là nguy hiểm, biết không an toàn nhưng cũng chẳng biết kêu ai, bởi lâu nay họ chưa thấy cá nhân nào bị xử lý về hành vi thu mua phế liệu là những vật liệu có chứa chất gây nổ.

Nếu nói là do “lỗ hổng” của luật pháp thì e rằng không phải, bởi tại Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Nghị định số 76/2014/ NĐ-CP quy định chi tiết Pháp lệnh này đã quy trách nhiệm khá rõ đối với từng cơ quan cũng như các bộ, ngành liên quan. Trong đó, cơ quan sát sao với đời sống của người dân nhất là UBND các cấp đã được giao trách nhiệm: “Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình thực hiện quản lý, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh tiền chất thuốc nổ tại địa phương theo quy định của pháp luật” (Điều 4 Nghị định 76/2014/NĐ-CP).

Tuy nhiên, qua các vụ nổ xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc vừa xảy ra tại Khu đô thị Văn Phú thì người dân đã thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương này đến đâu khi mà điểm thu mua phế liệu nói trên đã tồn tại ở đây khá lâu, hoạt động của họ cũng không phải là bí mật.

Quản lý vật liệu nổ có vấn đề?

Ở nước ta, việc thu mua phế liệu là một hình thức kinh doanh góp phần làm sạch môi trường. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm thu mua mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ dẫn đến những trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng. Càng nguy hiểm hơn khi các cơ sở này tồn tại ngay trong các khu dân cư đông đúc. Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, an toàn cho dân.

Nhiều nơi trong cả nước, nhất là tại các địa bàn, điểm nóng như Quảng Trị đã được các đội rà phá bom mìn tìm kiếm, tháo gỡ. Mặc dù các đội rà phá bom mìn đã liên tục phát hiện, rà phá nhưng với những địa phương như Quảng Trị, dự kiến cũng phải vài ba trăm năm sau mới khắc phục được hết hậu quả này. Đồng thời, thực tế cũng như qua những vụ nổ như ở Hà Đông -Hà Nội vừa qua cho thấy, cần phải mở rộng, rà soát trên nhiều lĩnh vực. Người ta luôn luôn canh chừng, lo rà phá những quả bom ở nơi cánh đồng, hẻm núi vùng xa xôi, điểm nóng đâu đó, ai ngờ đến một quả bom nằm ngay trong nhà, trong một cửa hàng thu mua sắt vụn ở Thủ đô.

Đặc biệt lâu nay, có một tác nhân tiếp tay cho bom mìn cướp đi sinh mạng, gây hậu quả là sự thiếu ý thức, bất cẩn, nhiều khi là lòng tham, coi thường tính mạng của con người. Không ít vùng người dân đã tự ý đi rà soát, lấy đầu đạn về tháo lấy thuốc nổ. Bất cứ thứ gì có thể coi là “sắt vụn” người ta cũng tìm tòi, nhặt nhạnh để bán cho chủ thầu thu gom. Không ít nơi thu mua sắt vụn người ta cũng bất chấp, chủ quan, không hề nghĩ đến hậu quả từ bom, mìn.❑

Theo khoản 1, Điều 6 Nghị định số 26/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao, giao nộp, thu giữ đều phải chuyển giao cho cơ quan quân sự hoặc Cơ quan Công an để xử lý theo quy định. Điều 8 của Nghị định nêu rõ: Cơ quan quân sự, công an, UBND cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện, trình báo, bàn giao. Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khánh An

LUẬT SƯ LÊ NGỌC HÀ, TRƯỞNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐA PHÚC (ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI):

Vụ việc trên cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý vật liệu nổ nói chung cũng như việc thu mua phế liệu nói riêng. Theo quy định của pháp luật, tất cả mọi ngành nghề có lợi nhuận đều phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Nhưng lâu nay ở nước ta hầu như những tổ chức và cá nhân mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu không làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường.

LUẬT SƯ HOÀNG NGUYÊN HỒNG – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ ĐÔNG PHƯƠNG (ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI):

Ở các nước phát triển họ có những công ty chuyên đi thu gom phế liệu, có chế tài để quản lý trực tiếp những công ty này. Còn ở Việt Nam, mình chưa làm được giống như các nước phát triển, do vậy mới có những người mưu sinh bằng nghề thu gom phế liệu. Nếu các cơ sở kinh doanh phế liệu này gây ra hỏa hoạn hay cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng giống như vụ nổ ở Hà Đông vừa rồi, sẽ rất khó để quy kết trách nhiệm cho một người cụ thể hay một cơ quan cụ thể nào vì chưa có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý nhóm nghề kinh doanh này.

LUẬT SƯ TRƯƠNG ANH TÚ – VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRƯƠNG ANH TÚ (ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HÀ NỘI):

 Quản lý vật liệu nổ hiện nay đang rất tốt, chúng ta có một quy trình từ việc cấp phép sử dụng cho đến kiểm tra giám sát cũng rất chặt chẽ. Bất kỳ hình thức nào để thất thoát ra bên ngoài hoặc sử dụng trái phép đều có khả năng bị truy tố hình sự, bằng những chế tài rất nghiêm khắc. Dù vậy, vẫn có việc thất thoát ra bên ngoài, nên tội phạm mới có thể sử dụng để gây án. Vì vậy tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm trong việc quản lý vật liệu nổ, đặc biệt là các lãnh đạo công ty được cấp phép quản lý sử dụng vật liệu nổ trong khai thác, sản xuất. Khi thu gom các loại phế liệu có hình thù giống các loại bom, đạn có cảm giác không an toàn cần trình báo cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là ban chỉ huy quân sự địa phương hoặc công an để có biện pháp xử lý.

ĐẠI TÁ PGS-TS NGÔ VĂN XIÊM – NGUYÊN PHÓ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY (PCCC):

Tất cả các chất nổ đều phải được quản lý chặt chẽ. Việc vận chuyển cũng phải được cấp giấy của cơ quan quản lý nhà nước, vận chuyển đi đâu, ít-nhiều, xe, người lái xe đều phải theo quy định, phải được thẩm duyệt. Nếu liên quan đến vận chuyển, buôn bán chất nổ trái phép đều bị xử lý hình sự. Muốn hủy chất nổ cũng phải được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Kho chứa cũng là loại kho đặc biệt, thiết kế theo yêu cầu về an toàn cháy nổ. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chúng ta phải quản lý từ gốc. Khi để thất thoát ra thị trường là cơ quan quản lý phải truy tìm ngay, nó đi đâu, về đâu, trên đường như thế nào… Hiện nay, cơ quan quản lý vẫn chưa làm hết trách nhiệm