Các trường hợp hoãn phiên toà xét xử. Hướng dẫn làm Đơn xin hoãn phiên toà cho bị cáo tại ngoại, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (Điều 297 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)
Hoãn phiên tòa
1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật tố tụng hình sự; Cụ thể: vắng mặt 01 trong những người tiến hành tố tụng như Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên; vắng mặt người tham gia tố tụng như Luật sư, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch; vắng mặt đương sự như bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự … Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể về lý do vắng mặt, lần vắng mặt của người tham gia tố tụng, đương sự khác mà Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà hoặc xét xử vắng mặt họ.
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án;
c) Họ tên KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
d) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Khi có lý do chính đáng thì bị cáo đang được tại ngoại, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan … có quyền làm Đơn xin hoãn phiên toà gửi tới Toà án. Có 02 cách gửi Đơn như sau:
1. Gửi trực tiếp: đưa trực tiếp cho người có trách nhiệm đang giải quyết vụ án như Thẩm phán, Thư ký Tòa án; gửi qua hòm thư đặt tại trụ sở của Toà án; gửi qua bộ phận văn thư của Toà án.
Lưu ý: đề nghị người nhận lập giấy biên nhận hoặc ký nhận trực tiếp vào Đơn.
2. Gửi gián tiếp: qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh tài liệu có phiếu báo phát chuyển hoàn.
Lưu ý: lưu giữ vận đơn, biên lai gửi, phiếu báo phát … để có căn cứ chứng minh Đơn xin hoãn phiên toà đã được gửi đến đúng địa chỉ của Toà án.
Đơn xin hoãn phiên toà có các nội dung chính như sau:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Toà án đang giải quyết vụ án;
c) Họ tên, địa chỉ của người làm đơn;
d) Tư cách tham gia tố tụng của người làm đơn;
đ) Lý do xin hoãn phiên toà và đề nghị của người làm đơn;
e) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn.
Kèm theo đơn xin hoãn phiên toà là chứng cứ, tài liệu (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của Đơn xin hoãn phiên toà. Ví dụ: gửi kèm theo sao y hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám chữa bệnh, đơn thuốc, giấy nhập viện … nếu lý do xin hoãn phiên toà là bị ốm đang phải chữa bệnh, không đủ sức khoẻ tham gia phiên toà.