Khởi kiện vụ án dân sự là gì? Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật hiện hành. Hãy cùng Lawkey tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Khái niệm
Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định
“Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Khởi kiện vụ án dân sự là hành vi của các cơ quan, cá nhân, tổ chức có quyền, tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đưa vấn đề có tranh chấp ra trước tòa án có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định nhằm yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều kiện khởi kiện vụ án
Điều kiện về chủ thể khởi kiện
Chủ thể khởi kiện phải là chủ thể mà theo quy định của pháp luật có quyền khởi kiện vụ án dân sự và người khởi kiện phải có tư cách về mặt pháp lý khi khởi kiện. Người khởi kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức được xác định là có tư cách về mặt pháp lý khi khởi kiện phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Đối với cá nhân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình:
+ Phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
+ Đồng thời có quyền lợi bị xâm phạm, tranh chấp hoặc pháp luật quy định có quyền khởi kiện.
Cá nhân có quyền khởi kiện mà không có năng lực hành vi tố tụng dân sự thì không thể tự mình khởi kiện mà việc khởi kiện do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự nhưng lại không chứng minh được quyền lợi bị xâm phạm, tranh chấp hay theo quy định pháp luật không có quyền khởi kiện thì cá nhân đó cũng không thể thực hiện việc khởi kiện.
Đối với cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
+ Quyền lợi hợp pháp đang bị xâm phạm hoặc tranh chấp.
+ Việc khởi kiện do người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó thực hiện.
Đối với cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác:
+ Chỉ được khởi kiện đối với các trường hợp theo quy định của pháp luật như theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình…
+ Đồng thời việc khởi kiện phải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Ngoài ra, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách phải có đầy đủ các điều kiện:
+ Cơ quan, tổ chức đó có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý xã hội về một lĩnh vực nhất định.
+ Lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước cần yêu cầu Tòa án bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách.
>> Xem thêm: Xác định tư cách đương sự khi tham gia tố tụng dân sự
Điều kiện về thẩm quyền
Các chủ thể khởi kiện phải thực hiện hành vi pháp luật tới đúng Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Theo đó:
– Phải khởi kiện một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Phải thực hiện đúng theo quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án cấp tỉnh theo quy định tại Điều 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
– Phải thực hiện đúng theo quy định về thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ theo quy định tại Điều 39, 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Đối với một số vụ việc, chủ thể phải yêu cầu cơ quan, tổ chức khác giải quyết thì khi các cơ quan, tổ chức hữu quan đã giải quyết mà họ đồng ý với việc này, họ mới được khởi kiện tới Tòa án.
Điều kiện sự việc khởi kiện phải chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật.
Về nguyên tắc, một sự việc đã được Tòa án của Việt Nam giải quyết bằng một ản án hay quyết định đã có hiệu lực thì được sự không được khởi kiện lại, trừ các trường hợp:
– Bản án, quyết định của Tòa án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật được một năm thì lại có quyền khởi kiện trở lại yêu càu ly hôn.
– Yêu cầu giải quyết việc nuôi con, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. nhưng sau đó đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu xin thay đổi việc nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại.
– Vụ án xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản.
– Vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án đã xử bác yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện thì khi có đủ điều kiện đương sự có quyền khởi kiện lại để đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
– Các trường hợp khác pháp luật quy định.
Trên đây là nội dung bài viết Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự theo pháp luật hiện hành. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề pháp lý, vui lòng liên hệ lawkey.vn để được tư vấn.