Hướng dẫn về hình thức và nội dung Đơn khởi kiện ly hôn
Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
Vợ, chồng có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện ly hôn hoặc đến trụ sở cơ quan Tòa án xin mẫu Đơn khởi kiện ly hôn. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người khởi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ;
Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
Cá nhân thuộc trường hợp quy định trên là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ;
đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện, số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
g) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
h) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Đây là phần quan trọng nhất trong Đơn khởi kiện, cần lưu ý trình bày các nội dung như sau:
– Ngày, tháng, năm và địa điểm hai vợ chồng đăng ký kết hôn.
– Sau khi kết hôn, hai vợ chồng cư trú ở địa chỉ nào, có sống chung với gia đình bố mẹ bên nội hay bên ngoại không?
– Thời điểm phát sinh mâu thuẫn dẫn đến cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, nguyên nhân, hậu quả (nếu có), đã sống ly thân chưa, nếu có thì từ thời điểm nào?
– Đã có cơ quan, tổ chức, gia đình nội ngoại tổ chức hòa giải cho đoàn tụ chưa?
– Hai vợ chồng có con chung, con riêng không. Ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh của con chưa đủ 18 tuổi, đang ở đâu, do ai chăm sóc nuôi dưỡng? Hai vợ chồng có thỏa thuận gì về việc nuôi con và cấp dưỡng cho con chưa? Nếu không tự thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết như thế nào?
– Liệt kê nguồn gốc, đặc điểm cơ bản của từng loại tài sản chung của vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân. Nếu tài sản là quyền sử dụng đất ở, đất canh tác, quyền sở hữu nhà ở … cần mô tả rõ địa chỉ, diện tích, số ô, số thửa, số tờ bản đồ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu chưa, mang tên ai? Hai vợ chồng có thỏa thuận gì về phân chia tài sản chưa? Nếu không tự thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án phân chia như thế nào?
– Liệt kê các khoản nợ chung, nợ riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (nếu có cần ghi rõ nợ cá nhân, tổ chức nào, số nợ là bao nhiêu, nợ từ khi nào) và yêu cầu Tòa án giải quyết như thế nào?
– Liệt kê các khoản cá nhân, tổ chức đang còn nợ chung cả hai vợ chồng (nếu có cần ghi rõ cá nhân, tổ chức nào, số nợ là bao nhiêu, nợ từ khi nào) và yêu cầu Tòa án giải quyết như thế nào?
– Các yêu cầu, đề xuất khác đối với Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn.
Kèm theo đơn khởi kiện theo hướng dẫn ở trên cần phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh có liên quan trong hồ sơ khởi kiện. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có. Người khởi kiện sẽ bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.