Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là gì? Cách xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo pháp luật hiện hành.
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là gì?
Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”.
Theo pháp luật hôn nhân gia đình quy định, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản bao gồm hai phương pháp thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Chủ thể được thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định:
– Cặp vợ chồng vô sinh, phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
– Cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được thực hiện đối với cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có yêu cầu thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trên cơ sở tự nguyện.
Một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Phương pháp thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của người chồng hoặc người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi.
Thụ tinh nhân tạo được biết đến là một phương pháp hỗ trợ sinh sản được áp dụng phổ biến trong điều trị vô sinh, hiếm muộn nhằm mang đến cơ hội làm cha, mẹ cho các cặp vợ chồng.
Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi. (Khoản 1 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP).
Việc thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp mà trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ. Đây là một phương pháp điều trị hiếm muộn giữa các cặp vợ chồng, phụ nữ độc thân.
Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Cách xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được xác định như sau:
Đối với cặp vợ chồng vô sinh
Điều 93 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
“1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
…”
Trong trường hợp cặp vợ chồng vợ sinh mà người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ, con được áp dụng theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Nguyên tắc suy đoán trong việc xác định cha, mẹ, con được áp dụng trong trường hợp này.
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của cặp vợ chồng vô sinh đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trường hợp sau khi đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phôi thai đã được đưa vào tử cung người vợ mà người chồng chết thì đứa trẻ vẫn được xác định là con chung của vợ chồng. Đối với những trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chỉ có thể áp dụng thời hạn mang thai tối đa là 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân nếu đã hoàn thành tất các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và phôi thai đã được đưa vào tử cung của người vợ trước hoặc cùng thời điểm chấm dứt hôn nhân.
Đối với người phụ nữ độc thân
Điều 93 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
“…
2. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.
…”
Đối với người phụ nữ độc thân thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của đứa trẻ, giữa hai bên có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mẹ và con theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đứa trẻ do người phụ nữ độc thân sinh ra chỉ có mẹ đẻ mà không xác định được cha đẻ.
Đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phối
Điều 93 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
“…
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
…”
Người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi mặc dù có quan hệ huyết thống với đứa trẻ được sinh ra nhưng giữa hai bên không phát sinh quan hệ cha, mẹ và con và không phát sinh bất kỳ quyền và nghĩa vụ pháp lý nào giữa các bên với nhau. Điều này tuân thủ nguyên tắc vô danh trong việc cho, nhận tinh trùng, noãn, phôi.
Đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Điều 93 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:
“…
4. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này.”
Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”
Người mang thai hộ chỉ cho cặp vợ chồng vô sinh mượn tử cung còn noãn, tinh trùng là của cặp vợ chồng vô sinh. Đứa trẻ sinh ra trong trường hơp mang thai hộ sẽ không có bất kỳ quan hệ huyết thống và không phát sinh quyền, nghĩa vụ với người mang thai hộ mà là con của cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ.
Xem thêm: Một số quy định về xác định cha mẹ con mới nhất
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.